About Me

Đại học xuất sắc Việt Nam đang ở đâu

Còn vài năm nữa là tới 2020 nhưng mơ ước có một ĐH đẳng cấp quốc tế vẫn mông lung khi mà ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội được thành lập nhằm đáp ứng mục tiêu này vẫn chưa bứt lên được, ngay cả khi so sánh với các trường ĐH trong nước, dẫn đến việc mới đây Chính phủ đã phải chuyển cơ quan chủ quản của 2 ĐH này. 



Không như kỳ vọng 

“ Vị trí các ĐH này đang ở đâu trên thế giới thì còn mơ hồ nhưng so sánh với trong nước thì họ vẫn chưa bằng được các trường tốp đầu”
 
GS BÀNH TIẾN LONG 

Với mục tiêu năm 2020 VN có ĐH đẳng cấp quốc tế, thậm chí có ít nhất 1 ĐH lọt vào tốp 200 trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới, Chính phủ đã triển khai việc xây dựng mới các ĐH xuất sắc theo phương thức hợp tác với các đối tác chiến lược. ĐH đầu tiên đi vào hoạt động là Việt – Đức, sau đó đến ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (còn gọi là ĐH Việt – Pháp). Cả hai đều có bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT. 

Tuy nhiên, sau 7 – 8 năm hoạt động, các ĐH này vẫn chỉ là những chấm mờ nhạt trong hệ thống giáo dục ĐH VN. Hiện cả hai ĐH chưa xây được trụ sở riêng dù đã có đất. Việc tuyển sinh khá chật vật, với chất lượng đầu vào được xem là thấp hơn rất nhiều các trường ĐH công lập có bề dày truyền thống trong nước. Là một ĐH “quốc tế”, nhưng số lượng sinh viên quốc tế đang học rất ít, như ĐH Việt – Đức chỉ có 18 sinh viên, chủ yếu đến từ các nước châu Á.Với mục tiêu năm 2020 VN có ĐH đẳng cấp quốc tế, thậm chí có ít nhất 1 ĐH lọt vào tốp 200 trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới, Chính phủ đã triển khai việc xây dựng mới các ĐH xuất sắc theo phương thức hợp tác với các đối tác chiến lược. ĐH đầu tiên đi vào hoạt động là Việt – Đức, sau đó đến ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (còn gọi là ĐH Việt – Pháp). Cả hai đều có bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT. 

Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các ĐH này cũng chưa đáng kể so với một số trường ĐH lớn trong nước. Dù có hiệu trưởng người nước ngoài nhưng giảng viên nước ngoài phần lớn đều thỉnh giảng, trong khi giảng viên người Việt vừa ít vừa thiếu học hàm. Theo số liệu mới nhất mà Bộ GD-ĐT cho biết, cả hai ĐH này đều chưa có giảng viên cơ hữu người Việt là giáo sư. Sau nhiều năm thành lập, ĐH Việt – Pháp không có thống kê nào về nghiên cứu khoa học còn Việt – Đức có tổng cộng 19 bài báo trên các tạp chí bình duyệt quốc tế. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết “điểm sáng” đáng kể nhất của 2 ĐH này là tỷ lệ sinh viên học xong có việc làm ngay hoặc học tiếp lên ở nước ngoài tương đối cao. Tuy nhiên, theo GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫu có muốn ghi nhận sự cố gắng của các trường thì cũng phải thấy rằng nếu chỉ là mười mấy bài báo quốc tế trong 7 – 8 năm hoặc SV ra trường đảm bảo chất lượng, dễ tìm việc làm… thì nhiều trường ĐH khác ở trong nước cũng làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. “Các ĐH này đang ở trong giai đoạn đầu nên vị trí của họ đang ở đâu trên thế giới thì còn mơ hồ, nhưng so sánh với trong nước thì họ vẫn chưa bằng được các trường tốp đầu”, GS Bành Tiến Long nhận xét. 

Chưa thành công vì… khác biệt 

Một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng mô hình này không phát triển như mong muốn là do… quan điểm khác nhau. Chẳng hạn Việt – Đức đặt ở quá xa trung tâm mà trong điều kiện của VN hiện nay người giỏi không muốn di chuyển quá xa để làm việc. Dù Việt – Đức có chế độ rất tốt, ví dụ một người giỏi về làm việc mức lương có thể gấp 3 lần trường khác, thế nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn. Đến lúc này Việt -Đức chỉ mới tuyển được 14 giảng viên người Việt. Dù có rất nhiều nỗ lực nhưng dự án xây dựng của Việt – Đức với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới cũng đang bị liệt vào “danh sách đỏ”. Một vấn đề nữa là sự khác biệt văn hóa giữa người Việt và người Đức nên giảng viên hai bên làm việc không quen do quan điểm quá khác nhau. 

Vị lãnh đạo này còn cho biết sứ mệnh của Việt – Đức là trở thành một ĐH nghiên cứu, tuy nhiên quan niệm về mô hình ĐH này giữa VN và Đức mỗi nơi hiểu khác nhau. Vị lãnh đạo này cho biết theo hiệu trưởng của ĐH Việt – Đức, để trở thành một ĐH nghiên cứu thì cần 300 triệu USD/năm, nhưng thực tế cả ĐH Quốc gia TP.HCM trong 10 năm cũng không có đủ con số này. 

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng ĐH Việt – Đức, cũng thừa nhận: “Đến thời điểm này có thể Việt – Đức chưa đáp ứng được những điều so với mục tiêu ban đầu đặt ra, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực tại chỗ”. Ông Viên cũng cho rằng mô hình ĐH này đi đúng hướng, nếu được đầu tư về cơ chế, chính sách, tài chính và con người thì trong tương lai sẽ phát triển. 

Ông Viên cho biết tốc độ tuyển dụng cán bộ giảng dạy tại chỗ của Việt – Đức chậm so với mục tiêu ban đầu. Theo lộ trình, cứ sau 6 năm mỗi chương trình phải tuyển dụng cán bộ giảng dạy tại chỗ đảm bảo 80%, 20% do Đức cử sang. Tuy nhiên đến thời điểm này có những chương trình chưa tuyển đủ cán bộ theo lộ trình này. Ông Viên cho rằng cái khó nằm ở tiêu chuẩn tuyển dụng. “Điều này có sự khác biệt giữa VN và Đức. Ở VN tuyển dụng cán bộ từ những người học tại trường, cho đi học lên để trở lại làm việc cho trường. Nhưng ở Đức, khi thiếu vị trí nào đó họ sẽ thông báo và tuyển người từ bên ngoài vào, không tuyển người từng tốt nghiệp tiến sĩ tại trường”. 

Ngoài ra, sự khác biệt trong cơ chế hoạt động cũng là yếu tố khiến mô hình ĐH xuất sắc kiểu Việt – Đức, Việt – Pháp không thành công. Ông Viên cho biết, theo phía Đức, tự chủ tài chính là dựa trên kế hoạch hoạt động của ĐH, chính phủ sẽ cấp khoản ngân sách, từ đó trường sử dụng. Còn ở VN tự chủ tài chính hướng đến tự thu và tự chi. Theo ông Viên, nhà trường cũng có vài lần làm văn bản kiến nghị với Chính phủ cho phép có cơ chế tự chủ tài chính linh hoạt và mở rộng hơn. 

Mô hình “3 bên” 

Theo kết luận của Chính phủ ngày 4.3, ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (ĐH Việt – Pháp) thay đổi cơ quan chủ quản. Theo đó, hai ĐH này chuyển từ cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT sang ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐH Việt – Đức) và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN (ĐH Việt – Pháp). 

Trong kết luận này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan chủ quản mới của hai trường ĐH này thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng (kể cả dự án đầu tư xây dựng) trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành. 

Đề án xây dựng các trường ĐH mô hình mới là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 – 2020. Theo đó, sẽ có các trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế được xây dựng với đầu vào là những học sinh xuất sắc của VN và nước ngoài. Đây là những trường được xây dựng theo mô hình 3 bên: Chính phủ VN, chính phủ đối tác và đơn vị tài trợ. ĐH Việt – Đức được thành lập đầu tiên năm 2008 dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ VN với CHLB Đức và Ngân hàng Thế giới. ĐH Việt – Pháp thành lập năm 2009 dựa trên hợp tác Chính phủ VN, chính phủ Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á. Năm 2014, ĐH Việt – Nhật được thành lập với đơn vị chủ quản là ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Xuất sắc mà “ba không” 

Theo GS Bành Tiến Long, cách hiểu phổ quát trên thế giới về ĐH xuất sắc hiện nay gồm có 3 tiêu chí: phải là nơi tập trung được tài năng, phải có nguồn lực dồi dào, cơ chế quản trị phù hợp. “Xét cả ba tiêu chí trên thì ĐH Việt – Đức và Việt – Pháp chưa đạt được tiêu chí nào”, GS Long nói. 

Dù được cấp đất và dù Bộ GD-ĐT có hẳn một ban quản lý dự án xây dựng nhưng tiến độ xây trường của 2 ĐH trên rất ì ạch. Chính phủ cũng đã dành khá nhiều ưu ái khi cho 2 ĐH này một cơ chế tài chính đặc thù nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn nhiều vướng mắc, thành ra việc thu hút người giỏi về làm việc còn khó khăn. “Có lần ĐH Việt – Pháp đề xuất một mức lương cao cho một cán bộ lãnh đạo trường người Việt nhưng Bộ Tài chính không đồng ý”, một cán bộ Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết. 

Theo một đại diện Bộ GD-ĐT, kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD-ĐT năm 2016 của ĐH Việt – Đức là 46,64 tỉ đồng, Việt – Pháp là 30,36 tỉ đồng. Bình quân đầu tư từ ngân sách nhà nước là khoảng 3.000 USD/nghiên cứu sinh và 2.500 USD/sinh viên. Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), nhận xét: “Con số này thua xa mức trung bình ở hầu hết ĐH đẳng cấp quốc tế (khoảng 20.000 – 30.000 USD/sinh viên/năm) của thế giới”. 

Mục tiêu quá cao so với thực tiễn 

Theo nhiều chuyên gia, sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển ĐH xuất sắc và thiếu tính thực tiễn đã dẫn đến tình trạng dang dở cho các trường theo mô hình xuất sắc hiện nay. 

Ban chỉ đạo “đứt gánh “giữa đường 

Với quyết tâm VN có trường ĐH đẳng cấp quốc tế nên sự ra đời của các ĐH xuất sắc được truyền thông khá rầm rộ. Thậm chí, tháng 6.2011, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia xây dựng các trường ĐH xuất sắc do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng ban. Nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của ủy ban, cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành các quyết định về việc quy định cơ chế tài chính đặc thù của ĐH Việt – Đức, Việt – Pháp. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cơ chế này đã thể hiện sự ưu tiên hơn so với các trường ĐH công lập khác đang thực hiện theo quy định chung về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Mặc dù được ưu đãi với tư cách là những đơn vị trong tiến trình xây dựng ĐH xuất sắc, nhưng 2 ĐH này đều không được hưởng ưu đãi nào của nhà nước về phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT chưa cấp khoản kinh phí này cho 2 đơn vị do cả hai không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được phê duyệt thông qua tuyển, xét chọn. “Do cơ chế tài chính đặc thù của ĐH Việt – Đức và Việt – Pháp không có quy định ưu tiên phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học vì vậy việc phân bổ kinh phí cho 2 trường này vẫn phải thực hiện theo quy định chung của luật Khoa học và công nghệ, tức là phải thông qua đấu thầu, tuyển, xét chọn đề tài để giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện. Năm 2016 do 2 trường này không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được tuyển, xét chọn nên chưa được bố trí kinh phí nghiên cứu khoa học”, ông Nguyễn Ngọc Vũ giải thích. 

Ngay cả ban chỉ đạo cấp quốc gia cũng chỉ hoạt động được tròn 3 năm thì… giải thể (từ cuối tháng 5.2014). Từ đó, các vướng mắc liên quan tới chính sách ưu đãi dành cho ĐH xuất sắc gần như không được giải quyết. Sau khi mở thêm một ĐH xuất sắc là ĐH Việt – Nhật (trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), tháng 8 năm ngoái, Chính phủ đã ra thông báo ngừng đến năm 2020 việc thành lập mới ĐH xuất sắc theo hình thức hợp tác giữa Chính phủ VN và nước ngoài. 

Cần điều chỉnh mục tiêu 

Theo ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh Trường ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), câu chuyện bền vững tài chính với 2 trường này ngay từ đầu đã được nhiều chuyên gia trong giới giáo dục ĐH đặt vấn đề. “Ai cũng biết đầu tư cho một ĐH đẳng cấp quốc tế đòi hỏi một số tiền khổng lồ, trong khi đó nguồn lực ngân sách của mình rất hạn chế. Đến một lúc nào đó nhà nước sẽ thôi tài trợ và các trường sẽ sống thế nào?”, ông Hiệp đặt vấn đề. 

Cũng nói về đầu tư, một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng nếu muốn có những ĐH xuất sắc thì cần sự đầu tư lớn. “Chúng ta không thể đầu tư đại trà, điều này đã được minh họa từ cách làm của rất nhiều nước. Chẳng hạn ĐH Tokyo và ĐH Kyoto của Nhật Bản chiếm đến gần 50% suất đầu tư dành cho các trường ĐH của nước này. Ý tưởng thành lập các trường ĐH tiên tiến này ban đầu là đúng nhưng nếu dựa toàn bộ vào ngoại lực sẽ gặp vấn đề lớn vì sự khác biệt về văn hóa và nguồn lực của VN không cho phép mình làm cái rụp để có được môi trường như họ”, vị này phát biểu. Theo vị lãnh đạo này, nếu đầu tư cào bằng như hiện nay thì VN sẽ không có được những trường ĐH hàng đầu. 

Trước thực tế của VN, vị này đề xuất: “Cái cần điều chỉnh đầu tiên chính là mục tiêu. Chúng ta phải đưa ra mục tiêu vừa sức mới thực hiện được. Mục tiêu này ngay từ đầu đã là một sai lầm, không hiện thực khi chúng ta xây dựng các ĐH này với mong muốn VN sẽ có những trường vào tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020. Trong khi cũng với mô hình như vậy nhưng các trường ở Đức có điều kiện tốt hơn nhiều còn không đạt được mục tiêu trên, thì mục tiêu mà chúng ta đặt ra là vô vọng. Do vậy, việc đầu tiên cần làm là điều chỉnh mục tiêu cho hợp lý”. 

Ông Phạm Hiệp cũng đề nghị nhà nước cần buông bỏ mục tiêu vào được tốp 200 tới năm 2020 vì việc đó quá huyễn hoặc. Tuy nhiên, về chính sách chung thì nhà nước nên khuyến khích việc định hình những ĐH nghiên cứu chuẩn mực quốc tế. Cách mà cả thế giới đều làm và VN cũng cần phải làm là có những quỹ nghiên cứu tập trung do trung ương quản lý. Quỹ này có nhiệm vụ là đầu mối cấp ngân sách cho các nhà khoa học, “ĐH Việt – Đức và Việt – Pháp quá mới nên đòi hỏi họ có ngay đẳng cấp quốc tế là không thể, hoặc vội vàng cắt của họ những chính sách ưu đãi mà nhà nước đã hứa hẹn là không nên. Cần cho họ thêm thời gian, để họ thể hiện mình”, ông Hiệp bình luận. 

Lo ngại hạn chế tự chủ ĐH 

Nhiều nhà khoa học có ý kiến khác nhau về việc chuyển cơ quan chủ quản các ĐH xuất sắc này. 

Một thành viên của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia xây dựng các trường ĐH xuất sắc cho rằng khi xây dựng dự án khả thi của ĐH Việt – Đức, Việt – Pháp, phía Đức, Pháp và 2 ngân hàng cho vay là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đều coi tính tự chủ cao của 2 ĐH này là điều kiện tiên quyết để có thể hình thành các ĐH xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế. Việc đưa ĐH Việt – Đức đang chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT về ĐH Quốc gia TP.HCM là đi ngược lại đòi hỏi có tính nguyên tắc này, sẽ làm cho hoạt động của trường thêm khó khăn vì ĐH Việt – Đức sẽ không có quyền đề đạt trực tiếp với Bộ GD-ĐT và Chính phủ về chính sách phát triển, cơ chế tài chính và các vấn đề khác mà phải qua trung gian ĐH Quốc gia TP.HCM. 

GS Lê Tuấn Hoa nhận định: “Mô hình quản trị ĐH của thế giới là tự quản, ở ta dù muốn hay không muốn cũng phải theo, do đó vai trò chủ quản chắc chắn sẽ ngày càng mờ nhạt”. 

Trong khi đó, phía ĐH Việt – Đức, Phó hiệu trưởng Hà Thúc Viên cho biết: “Đây là quyết định của Chính phủ, tôi không hiểu hết mục đích của Chính phủ khi chuyển cơ quan chủ quản của ĐH Việt – Đức từ Bộ GD-ĐT về Đại học Quốc gia TP.HCM, nhưng tôi chỉ có thể đoán Chính phủ muốn nếu ĐH Việt – Đức là một thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM thì Việt – Đức có thể sử dụng nguồn lực hiện có của ĐH này, ví dụ cán bộ giảng dạy và có thể khai thác lẫn nhau về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phòng thí nghiệm để thúc đẩy nghiên cứu đa ngành”. 

Đại diện của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng ĐH Việt – Đức sẽ thuận lợi hơn khi là thành viên của ĐH này vì ĐH Quốc gia có sẵn nguồn lực và thực sự có rất nhiều người giỏi. 

Còn GS Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, cho rằng lãnh đạo viện sẽ cố gắng để giúp ĐH Việt – Pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính để phát triển được chuyên môn ở mức độ cao nhất. “Tính tự chủ của trường ĐH là rất cao, nhất là với những trường có sự tham gia của các đối tác quốc tế. Hơn nữa, chiến lược phát triển, mục tiêu, đường hướng hoạt động… của trường là những nội dung đã được ghi trong hiệp định được ký kết giữa 2 chính phủ, dù cơ quan chủ quản nào thì các trường cũng cứ thế mà thực hiện”, ông Hải chia sẻ. 

Ý KIẾN 

Đầu tư vào các nhân tố trọng điểm 

Một trường ĐH muốn đạt đẳng cấp quốc tế thì nó phải có một quá trình phát triển tự nhiên. Kể cả nhà nước dồn rất nhiều tiền vào đó thì cũng không dễ gì có ngay được một trường ĐH đẳng cấp trong một thời gian ngắn. Tìm kiếm lựa chọn nhân tố tích cực để tập trung đầu tư là giải pháp khả thi hơn nhiều. Ở VN có nhiều trường ĐH có thể đầu tư trở thành xuất sắc, có tầm cỡ quốc tế, chẳng hạn như các ĐH quốc gia, ĐH trọng điểm. 

GS Đào Trọng Thi

(nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) 

Cấp nhiều học bổng thay vì thu học phí cao để tuyển người giỏi 

Tất cả những trường ĐH đẳng cấp của thế giới đều lựa chọn đầu vào rất khắt khe, vì thế chất lượng đào tạo của họ đã cao rồi lại càng hiệu quả hơn. Muốn có sinh viên giỏi thì phải tuyển được học sinh giỏi. Khi trường chưa tạo dựng được tên tuổi thì không còn cách nào khác là cấp học bổng thay vì thu học phí cao như các trường ĐH xuất sắc hiện nay. Sau đó thì mới xã hội hóa dần bằng cách thu học phí và giảm dần tỷ lệ sinh viên được cấp học bổng. 

GS Lê Tuấn Hoa

(Viện trưởng Viện Toán học VN) 


Nguồn: Hocthenao 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét