About Me

Giáo dục Chuyện nhỏ và lớn

Sao không bằng những chuyện nhỏ? Tại sao không thành lập một hội đồng chỉnh sửa và cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa? Quan trọng hơn, tại sao không dạy học sinh cách đặt vấn đề và phương pháp giải quyết vấn đề hơn là kiến thức vì kiến thức trước sau gì cũng lạc hậu 

1 Học phí đại học tăng, sinh viên than, phản đối, bức xúc. Thầy giáo lại đăng đàn khuyên bảo một cách ngạo mạn: “...hãy dẹp ngay việc mang sự nghèo sự khó ra để làm sức ép đối với học phí đại học”! 

Có thể nói, người thầy này đã không hiểu hoặc cố tình bỏ qua một nguyên tắc sơ đẳng trong giáo dục, rằng uy tín một ngôi trường không chỉ đến từ đội ngũ giảng viên hay cơ sở vật chất. 

Điều làm nên danh tiếng của nhiều trường trên thế giới chính là chất lượng sinh viên của trường đó. Thầy có hiểu vì sao nhiều trường cất công tự giao cho mình nhiệm vụ đi tìm đúng sinh viên phù hợp với trường nhất để đào tạo bất kể chuyện tiền nong? 



Các ngôi trường danh tiếng trên thế giới như Harvard, Cambridge hay Princeton hoàn toàn có thể ấn định mức học phí 1 triệu đôla Mỹ mỗi năm và cũng sẽ tuyển đủ sinh viên mà gia đình sẵn sàng bỏ ra 4 triệu để lấy mảnh bằng của các trường này. 

Nhưng họ không làm như thế. Vì sao? Vì chỉ cần một vài năm tuyển sinh theo kiểu “bán dịch vụ giáo dục đại học” như thế, chất lượng tụt dốc thì không những các em con nhà giàu không thèm vào học mà con nhà nghèo dù có mời và cho thêm tiền họ cũng không chịu học. 

Không biết vị thầy giáo nói trên khi tuyên bố “trường đại học không cần quan tâm đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên” thì có hiểu chính sách “need-blind” của một số trường hàng đầu ở Mỹ đúng là không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên nhưng lại theo nghĩa hoàn toàn khác. 

Đó là việc bộ phận tuyển sinh cứ theo hồ sơ mà xét chọn, không cần biết gia đình sinh viên mình chọn có đủ tiền trả học phí hay không, bởi bộ phận hỗ trợ tài chính lúc đó sẽ xét gia cảnh em được chọn là nghèo, họ sẽ quyết định cấp 100% học bổng; khá hơn một chút thì cấp 80% hay 60% tùy thu nhập. 

Thầy này có biết vì sao mỗi năm các trường đại học danh tiếng của các nước đều dành một số học bổng không ít cho sinh viên giỏi từ các nước đang phát triển như Việt Nam? 

Bởi trong chuyện “thuận mua vừa bán” này, giá cả không phải do người bán (nhà trường) định đoạt hết thảy; người mua (sinh viên) trong trường hợp này lại có tiếng nói rất quan trọng - chính các em sẽ đem lại các giá trị mà trường đang tìm kiếm: tính sáng tạo, óc thông minh, lối suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ, sự chịu khó, sự đa dạng... 

Lúc cấp học bổng cho các sinh viên nghèo này, các trường đang đầu tư và chắc chắn có lãi, không lẽ thầy không biết, chứ đâu chỉ sinh viên đang đầu tư cho tương lai nên phải chịu học phí cao? 

Điều đáng buồn là nhiều sinh viên cũng phản bác vị thầy này nhưng chỉ biết kêu gọi sự đồng cảm với những sinh viên nghèo, gia cảnh khó khăn. Đó là bởi chính các em không hiểu được giá trị của mình và người lớn không nhìn vấn đề từ giá trị của sinh viên. 

2 Lại thêm một năm, điểm thi môn tiếng Anh thấp trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học gây lo ngại về việc dạy và học tiếng Anh. 

Năm ngoái có tới gần 75.000 thí sinh chỉ được 2,25 điểm môn tiếng Anh, một thất bại thấy rõ của cách dạy và học tiếng Anh trong nhà trường. Nhưng trước khi lo ngại, hãy nhìn lại những biến chuyển liên quan đến ngôn ngữ, trước hết các phần mềm giúp người ta tự học ngoại ngữ đang là người thầy đắc lực. 

Lấy ứng dụng Duolingo phổ biến, có thể cài lên điện thoại di động, giả thử thay vì học mỗi tuần mấy tiết tiếng Anh, học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 cứ thong thả dùng phần mềm này tự học tiếng Anh, kể cả luyện nói, luyện đọc bằng với số giờ các em phải lên lớp, bảo đảm sau ba năm các em sẽ nói tiếng Anh thành thạo. 

Thế nhưng đưa cái bài thi môn tiếng Anh vừa rồi cho những em đã nói tiếng Anh thành thạo nhờ Duolingo chẳng hạn, chưa chắc các em đã đạt điểm cao! 

Thế nên, thay vì lo ngại trình độ ngoại ngữ của học sinh, hãy nên lo ngại việc dạy ngoại ngữ đang đi sai hướng, các đề án ngoại ngữ làm xã hội tốn không biết bao nhiêu tiền của và sức lực chẳng giúp gì cho mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ, trừ làm giàu cho túi tiền các công ty cung cấp trang thiết bị... 

Chỉ cần chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy trí thông minh nhân tạo đang phát triển vượt bậc mà trong đó ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong việc dịch hay hỗ trợ mọi người giao tiếp với nhau bất kể hàng rào ngôn ngữ đang có những đột phá khó ngờ. 

Biết đâu chỉ vài năm nữa thôi sẽ có những chiếc máy dịch tự động, hai người khác tiếng mẹ đẻ có thể trò chuyện thoải mái nhờ máy. Thế mà giờ đây học trò chúng ta vẫn còn loay hoay giữa “that” hay “which”, cách dùng các “modal verbs”, cách sửa lỗi ngữ pháp, cách biến đổi câu cho khéo... 

Thử nghĩ mà xem, giả dụ có cái máy dịch thần kỳ nói trên, câu hỏi đặt ra là liệu học sinh Việt Nam có hiểu bạn cùng độ tuổi nói gì không bởi trong học ngoại ngữ, chuyện ngữ pháp là thứ yếu, chuyện đúng sai là vặt vãnh so với chuyện hiểu được thông điệp nhờ cái nền văn hóa. 

Chuyện đó học sinh Việt Nam không được học và giáo viên không được tiếp cận, hiện đang lạc hậu vài chục năm so với thời cuộc. Cái đó mới đáng lo ngại hơn cái phổ điểm môn thi tiếng Anh nhiều lần. 

3. Đôi lúc tự nghĩ vì sao giáo dục Việt Nam không bắt đầu bằng những chuyện cụ thể, dù nhỏ nhưng có tác dụng thiết thực còn hơn lao vào các đề án lớn lao. 
Chẳng hạn ai cũng thấy kiến thức trong môn địa lý là rất cũ, số liệu cách đây cả 10 năm hơn, đôi lúc sai với thực tế mà không ai chịu sửa, cứ thế bắt học sinh học mãi. 

Tại sao không thành lập một hội đồng chỉnh sửa và cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa? Quan trọng hơn, tại sao không dạy học sinh cách đặt vấn đề và phương pháp giải quyết vấn đề hơn là kiến thức vì kiến thức trước sau gì cũng lạc hậu. 

Ai cũng nói môn nhạc đi sai đường khi bắt học sinh thuộc lòng tiểu sử của nhạc sĩ mà không cho học sinh nghe các nhạc phẩm của ông này. Đây là chuyện có thể sửa ngay, vì sao không ai làm? 

Ai cũng than học sinh giờ viết sai chính tả, câu cú không diễn đạt được ý tưởng muốn nói. Tại sao không để giáo viên có quyền tự chọn văn bản để dạy cho học sinh các kỹ năng ngôn ngữ? 

Tại sao các văn bản hiện đại là loại văn bản học sinh sẽ phải tiếp xúc thường xuyên khi ra đời lại không được dạy? 

Tại sao cứ phải một số tác phẩm năm nào cũng chọn để ra đề thi làm như nền văn học Việt Nam chỉ có chừng đó tác phẩm? Cái cần học với học sinh là kỹ năng trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, mang tính thuyết phục, hấp dẫn chứ đâu phải trở thành những con sáo chỉ biết nói vẹt. 

Chỉ cần giải quyết những vấn đề mà xã hội đã nêu lên từ lâu, như làm sao cho học sinh không cần đi học thêm mà vẫn đủ sức vào đại học, học sinh lớp nhỏ không cần cặm cụi làm bài đến khuya... là đủ tạo ra chuyển biến cho ngành giáo dục. 

Đâu cần phải thông suốt cái gọi là triết lý giáo dục thì mới cải cách việc tuyển sinh cho khoa học, thông suốt. Vấn nạn lớn nhất của nền giáo dục là tính giả dối, không chỉ là sự giả dối trong chạy theo thành tích ảo như nhiều người từng than. 

Sự giả dối đó bàng bạc trong lối suy nghĩ khuôn sáo, em nào vượt ra ngoài là bị nhắc nhở, khiển trách. Trong lúc đó, giáo dục là dạy cách sáng tạo lại không được chú ý. 

Thậm chí, sau kỳ thi tốt nghiệp, như một thông lệ, sẽ xuất hiện nhiều bài báo đem bài làm của thí sinh ra để chê bai, giễu cợt. Vấn đề là một số câu trong các bài làm bị xem là “không nhịn nổi cười” này có những ý độc lập, không khuôn sáo, không bó buộc. Hóa ra cái đó là cái đáng cười với một số thầy cô? Xóa được lối suy nghĩ theo kiểu “chuyện nhỏ” này cũng đã là vận may cho học sinh nước nhà. 
Nguồn: Sỹ Phu (CTTT) 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét